Ảnh minh họa. Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo VOA News, 5 năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết tái cân bằng chiến lược sang châu Á, mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự tại khu vực, giới phê bình nhận định rằng động thái này đã được quảng bá quá mức và mục tiêu kiềm chế Trung Quốc vẫn chưa mang lại kết quả.
Trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động quyết liệt nhằm tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, thu hút sự quan tâm của báo giới và khiến nhiều nước bày tỏ sự quan ngại, một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh dường như đã qua mặt các đối thủ trong cuộc đua yêu sách chủ quyền ở vùng biển chiến lược rộng lớn này.
Ông William Choong, một học giả kỳ cựu ở Singapore thuộc chương trình Đối thoại Shangri-La về An ninh châu Á-Thái Bình Dương, nhận định rằng: “Với tư cách một người hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và quan sát sự hiện diện của Mỹ tại khu vực, chúng tôi chỉ thấy vài ánh sáng le lói về sự tái cân bằng.”
Trong nhiều thập niên, hải quân Mỹ vẫn bảo vệ các tuyến hàng hải chủ chốt tại Thái Bình Dương, và vẫn giữ vị thế của một siêu cường hàng hải. Tuy nhiên Trung Quốc đã có những bước đi áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình và bành trướng sự hiện diện trên biển Đông, mặc dù không điều động lực lượng quân đội chính thức ra tiền tuyến.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia an ninh Đông Nam Á đến từ Học viện quốc phòng Úc, cho rằng: “Lợi thế của Trung Quốc là thông qua sử dụng lực lượng tuần duyên, các lực lượng bán quân sự, và thậm chí cả hoạt động xây dựng đảo nhân tạo được che đậy dưới vỏ bọc vì lợi ích của cộng đồng, phục vụ tìm kiếm cứu nạn, các hoạt động khoa học, thăm dò dầu khí và đánh bắt.”
Trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng và cải tạo phi pháp ít nhất 1.170 héc-ta đất tại biển Đông, khiến cộng đồng quốc tế ngày càng quan ngại về ý đồ độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh.
Tuần qua, sự kiện Mỹ khẳng định Trung Quốc dường như đã điều tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa một lần nữa chứng tỏ Bắc Kinh đang nỗ lực củng cố sự hiện diện của họ tại các vị trí tiền đồn, khiến căng thẳng tại khu vực tranh chấp ở biển Đông ngày càng gia tăng.
Trong một bài phỏng vấn độc quyền với Channel News Asia hôm 16/2, Tổng thống Obama cho biết: “Tôi nghĩ Trung Quốc đang dùng đến cách chân lý thuộc về kẻ mạnh, trái ngược với sử dụng luật pháp và các chuẩn mực quốc tế để đưa ra yêu sách và giải quyết tranh chấp.”
Bình luận trên được đưa ra trước khi xuất hiện thông tin Trung Quốc điều động hệ thống tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm. Theo ông Obama, hiện “vẫn còn nguy cơ lớn xảy ra xung đột” giữa các bên có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông., tuy nhiên ông từ chối đề cập đến khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc.
Ngoài ra, ông Obama cũng nói Washington sẽ “tiếp tục kiểm tra” xem liệu Trung Quốc có chân thành trong cam kết không quân sự hóa biển Đông hay không.
Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Obama hồi tháng 9/2015 tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng Trung Quốc không muốn quân sự hóa các khu vực đang tranh chấp ở biển Đông.
ASEAN “do dự” hợp tác cùng Mỹ
Mặc dù quân đội Mỹ đang xây dựng quan hệ chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN, nhất là Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ASEAN đồng thuận cùng nhau để xử lý vấn đề biển Đông.
VOA News nhận định rằng các thành viên trong khối ASEAN không muốn công khai đứng về phía Mỹ để ủng hộ bất kỳ quyết định quan trọng nào chống lại Trung Quốc.
Học giả Choong nói rằng: “Các nước ASEAN chưa thực sự đề xuất với Mỹ những gì họ muốn Mỹ thực hiện.”
Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/2, không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, mà chỉ kêu gọi giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng biện pháp hòa bình.
Tuy nhiên, chuyên gia Thayer nhận xét rằng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực đã gia tăng nhờ cam kết của ông Obama về việc can dự đầy đủ hơn vào khu vực Đông Nam Á, và đích thân tham dự các diễn đàn thường niên như hội nghị thượng đỉnh An ninh Đông Á. Ông Thayer nói: “Ông Obama đang để lại một di sản mà một tổng thống Mỹ mới sẽ không thể phớt lờ.”
Hiểm họa tương tự MH-17 tại biển Đông?
Theo tờ Sydney Morning Herald, hôm 19/2, ông Peter Jennings, Viện trưởng Viện Chính Sách Chiến Lược Úc (ASPI) đã cảnh báo các hãng hàng không dân dụng cần phải chú ý hiểm họa đến từ tên lửa mà Trung Quốc triển khai tại biển Đông.
Ông Jennings đã đề cập đến thảm kịch chuyến bay MH-17, một chiếc Boeing của hãng hàng không Malaysian Airlines bị trúng tên lửa trên không phận Ukraine làm hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có 39 công dân và cư dân Úc, và cho rằng sự hiện diện của tên lửa đất-đối-không của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa, có thể gây nên những mối nguy hiểm tương tự cho các máy bay thương mại cũng như phi cơ quân sự.
Ông cũng khuyên các hãng hàng không nên thẩm định nguy cơ đến từ tên lửa Trung Quốc và xem xét việc thay đổi đường bay để tránh các hòn đảo có liên quan.
Là một cựu quan chức quốc phòng cấp cao và là cố vấn cho việc soạn thảo quyển Sách Trắng Quốc Phòng Úc sắp công bố, ông Jennings đã nhấn mạnh về mối nguy hiểm đối với các máy bay trinh sát P-3 Orion của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) được phái đi tuần tra tại khu vực mà Trung Quốc đặt tên lửa.
Những phát hiện mới đây qua ảnh vệ tinh về hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 mà Trung Quốc điều đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, có tầm bắn khoảng 200 km, sẽ buộc các giới chức quốc phòng Úc phải xem xét cách xử lý các rủi ro.
0 comments :
Post a Comment