Với mỗi người dân Việt Nam, chiến thắng 30/4/1975 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cả dân tộc đã kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”. Chiến thắng 30/4 không chỉ thiêng liêng với những người lính từng cầm súng, từng để lại một phần xương máu của mình vì độc lập dân tộc; mà còn là sợi chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc với thế hệ mai sau. Vì thế, với những người dân đất Việt, 30/4 trở thành ngày sum họp, ngày để mỗi thành viên trong dòng tộc nhắc nhớ nhau về quá khứ oai hùng, nhắc nhở nhau tiếp tục đồng lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng, hàng năm cứ đến dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 30/4, thì trên một số trang mạng xã hội lại xuất hiện những bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, bóp méo giá trị lịch sử Ngày chiến thắng. Những kẻ xuyên tạc, phủ nhận cho rằng: cuộc kháng chiến chống Mỹ là “nồi da, nấu thịt”, là “Cuộc chiến tranh của Hà Nội”, “Ngày 30/4/1975 không phải là ngày giải phóng miền Nam vì quân đội Mỹ đã rút” và rất nhiều luận điệu khác. Từ đó, họ kết luận một cách hồ đồ: Cuộc chiến tranh của Việt Nam là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”?!...
Tuy nhiên, thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã chứng minh những luận điệu mà họ cứ lặp đi lặp lại là hoàn toàn sai trái, bởi sự thật là: Trong suốt 21 năm chiến tranh (1954 - 1975), Mỹ đã thay đổi 5 chiến lược quân sự; huy động hơn nửa triệu quân Mỹ, cùng hàng vạn quân đồng minh trực tiếp tham chiến và làm trụ cột cho hơn 1 triệu quân nguỵ; đã sử dụng tất cả những vũ khí, kỹ thuật quân sự tiên tiến nhất, đưa chiến tranh Việt Nam trở thành một trong những cuộc chiến “đắt tiền” nhất trong lịch sử nước Mỹ (Máy bay Mỹ đã ném xuống Việt Nam khoảng 7,85 triệu tấn bom, gấp 3 lần số bom sử dụng trong chiến tranh Thế giới 2; rải khoảng 85 triệu lít chất độc hóa học; tiêu tốn 676 tỷ USD cho cuộc chiến tranh Việt Nam,...)
Sở dĩ nước Mỹ hao tốn nhiều người và của như thế không phải để giải phóng cho nhân dân Việt Nam, mà nhằm mục tiêu chiến lược là quét sạch chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam và Đông Dương, biến nơi đây thành thuộc địa - một bàn đạp chiến lược để Mỹ thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới. Vì vậy, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa, vô cùng tàn bạo do đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam.
Sự thật đó cũng đã được một số người Mỹ kể cả chính khách nước Mỹ thừa nhận, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Namara dưới thời các tổng thống Mỹ L.Giônxơn và R.Níchxơn. Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4/1975, Mắc Namara đã công khai thừa nhận: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Còn nhà báo E-uyn Knon (Ezwin Knoll) đã dày công sưu tập hơn 7.000 tài liệu của Lầu năm góc, trong đó phần lớn là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Trên cơ sở những nguồn tài liệu chân thực, E-uyn Knon đã xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ”, gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội Mỹ. Trong cuốn sách này, tác giả đã vạch rõ dã tâm xâm lược Việt Nam với những thủ đoạn chiến tranh hết sức tàn bạo, thể hiện bản chất hiếu chiến, phi nghĩa, vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc; đồng thời, chỉ rõ Mỹ đã vấp phải ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, với nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Việt Nam không muốn chiến tranh, luôn thiết tha hòa bình, khát vọng hạnh phúc, nhưng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai buộc chúng ta phải cầm súng chiến đấu chống lại chúng để giành độc lập cho dân tộc. Những hành động chà đạp lên độc lập, chủ quyền lãnh thổ, can thiệp, áp đặt,… là điều trái với luân thường, đạo lý và luật pháp quốc tế. Ở đâu có tình trạng đó, tất yếu nhân dân sẽ đứng lên chống lại. Điều đó, càng không thể được đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, có truyền thống quật cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Với chân lý “không có gì quí hơn độc lập, tự do”, “Nam Bắc một nhà”, “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”; “sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”… dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã đồng tâm, hiệp lực, không ngại hy sinh, gian khổ, đoàn kết chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai giành thắng lợi với mốc son chói lọi là Đại thắng Mùa xuân 30/4/1975.
Sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã quá rõ ràng, không thể bị phủ nhận, lẫn lộn trắng đen./.
ÁNH TRĂNG XANH
0 comments :
Post a Comment