Xây sân bay 8.000 tỷ đồng, người dân tỉnh nghèo Lai Châu rồi sẽ về đâu?


xây sân bay 8.000 tỷ đồng

Lai Châu, tỉnh thuộc nhóm nghèo nhất nước, vừa đề xuất xây sân bay với vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Đề xuất đã được Thủ tướng chấp thuận về mặt chủ trương và yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng xem xét, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo báo Lao Động đưa tin, ngày 23/4, tại cuộc họp trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đã đề xuất “xin” Thủ tướng sớm cho xây dựng sân bay ở tỉnh này.
Hiện chưa có tổng mức đầu tư cụ thể cho dự án này nhưng dự kiến tổng đầu tư sân bay sẽ vào khoảng 8.000 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 hết 4.000 tỷ đồng. Theo đề án, đây sẽ là sân bay lưỡng dụng, bao gồm cả mục đích dân sự và quốc phòng.

Một trong những tỉnh nghèo nhất nước

Lai Châu có diện tích hơn 9.000 km2 nhưng chỉ có hơn 40 vạn dân sinh sống. Mật độ cao nhất ở thị xã Lai Châu 379 người/km² và thấp nhất là huyện Mường Tè 14 người/km².
Đây cũng là tỉnh có tỷ lệ đói nghèo cao nhất cả nước. Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu, tính đến 31/12/2014, số hộ nghèo của toàn tỉnh là 20.219 hộ, tỷ lệ hộ nghèo 23,48%, liên tục từ năm 2009 đến 2015 phải xin cấp gạo cứu đói.
Tại nơi nghèo nhất Lai Châu – xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) có tới 93% là hộ nghèo. Sản xuất vẫn theo kiểu chọc lỗ tra hạt.
Cũng trong huyện Mường Tè, tại xã Thu Lũm, toàn xã có 418 hộ thì tới 133 hộ nghèo, tức cứ 3 hộ thì 1 hộ nghèo.
Trẻ em trường Mầm non bản Huổi Chát 1, xã Nậm Manh, huyện Mường Tè, Lai Châu nhận áo ấm cứu trợ. (Ảnh qua giothi.blogspot.com)
Theo chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là hơn 40%, cao thứ 3 trong cả nước. Tổng thu ngân sách đứng thứ 63/63 tỉnh, thành (năm 2013), theo thông tin từ Bộ Tài chính. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh vẫn còn 3 xã chưa có đường ô tô; một số tuyến đường huyện, xã xuống cấp hoặc là đường đá lởm chởm.
Theo chỉ số cận nghèo đa chiều, Lai Châu có tỷ lệ hộ nghèo thuộc hàng cao nhất cả nước, khoảng 44% và hộ cận nghèo khoảng 10%. Điều này đồng nghĩa với việc có tới 1/2 dân số Lai Châu thuộc diện nghèo và cận nghèo.
Lai Châu cũng đứng cuối trong tổng số 63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ biết đọc biết viết trong dân số từ 15 tuổi trở lên theo giới và nông thôn/thành thị (số liệu năm 2009). Toàn tỉnh chỉ có 57,4% dân số trên 15 tuổi biết đọc biết viết, còn lại 42,6% chưa biết chữ. Đây là tỷ lệ thấp trong phổ cập giáo dục của cả nước, theo Tổng cục thống kê, “Giáo dục Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu”.
Cảnh xiêu vẹo, đổ sập của những ngôi nhà tái định cư ở xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, sau trận mưa lốc. (Ảnh: nhandan.com.vn)

Nghèo nhưng phí sinh hoạt đắt nhất nước

Theo kết quả biên soạn chỉ số SCOLI (Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian) năm 2015, Lai Châu đã vượt Hà Nội, trở thành đơn vị hành chính có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất Việt Nam trong năm 2015.
Lai Châu có chỉ số giá SCOLI cao nhất cả nước: 100,3%. Hà Nội: 100%.
Các tỉnh thuộc Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có mức giá đứng liên tiếp sau Lai Châu và Hà Nội là Sơn La (99,27%), Lào Cai (99,02%) và Điện Biên (98,85%).
Sài Gòn đứng thứ 6 với chỉ số giá SCOLI 97,39% so với thành phố Hà Nội.
Lai Châu có phí sinh hoạt đắt đỏ là do là tình trạng mất cân đối lớn trong cung – cầu hàng hoá. Sản xuất tại chỗ nghèo nàn, thu nhập thấp. Cung nhỏ hơn cầu đã đẩy mặt bằng giá cả lên cao.
Hàng hoá nhu yếu phẩm không thể tự sản xuất mà phải vận chuyển từ tỉnh khác về. Giá cả hàng hóa tăng cao do phí vận chuyển, phí dự trữ, kho bãi hay phân phối đều rất cao.

Gạo cứu đói và con số “không tưởng” 8.000 tỷ đồng

Tháng 6/2009, Lai Châu nhận trợ cấp 1.000 tấn gạo cứu đói trong mùa mưa lũ.
Tháng 2/2010, nhận 1.000 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và thời kỳ giáp hạt.
Tháng 1/2011, nhận 1.000 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Tân Mão và thời kỳ giáp hạt.
Tháng 1/2012, nhận 2.034 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt.
Tháng 1/2013, 2.160 tấn gạo tấn gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt.
Tháng 1/2014, nhận 730 tấn gạo cứu đói dịp Tết nguyên đán và giáp hạt.
Tháng 3/2015, nhận 847 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt.
Tháng 3/2016, nhận 713,2 tấn gạo cứu đói trong thời gian giáp hạt.
Tổng cộng trong 8 năm liên tiếp, Lai Châu “xin” 9.484,2 tấn gạo. Nếu tính theo giá 10.000 đồng/kg, số gạo trên tương tương đương với 94,842 tỷ đồng, chỉ chiếm 1,2% trong tổng số 8.000 tỷ đồng nói trên.
8.000 tỷ đồng tương đương 359 triệu USD (theo tỷ giá 1 USD = 22.280 VND (cập nhật ngày 27/4/2016).
359 triệu USD tương đương với lợi nhuận sau khi khai thác và bán 5,1 triệu tấn dầu với doanh thu dự kiến 3,9 tỷ USD.
Những đứa trẻ trần truồng, tự trượt chơi trên dốc taluy, tại bản Cung Mù Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, Lai Châu, tháng 7/2012. (Ảnh: baolaichau.vn)

Thừa sân bay, thiếu vốn

Nói về ý nghĩa của sân bay này với việc phát triển kinh tế ở Lai Châu, ông Nguyễn Khắc Chử, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cho hay: “Sân bay sẽ giúp phát triển ngành du lịch của tỉnh, đặc biệt có ý nghĩa trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra”. Theo VOV, Chủ tịch UBND tỉnh này cho hay 8.000 tỷ đồng không phải là vốn Nhà nước mà là vốn tư nhân hay còn gọi là vốn xã hội hóa.
Tuy nhiên, trao đổi với BizLIVE, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng bày tỏ quan điểm rằng, xây dựng một sân bay cho Lai Châu là không cần thiết tại thời điểm này.
Bởi vì, ngân sách của Lai Châu hiện không đủ mà ngân sách quốc gia đang bội chi và gặp nhiều khó khăn. Việc xã hội hóa dự án theo nghĩa huy động vốn tư nhân cũng không khả thi vì sân bay là một dự án dài hạn, cần nhiều năm để có thể lấy lại được vốn bỏ ra.
Vay vốn từ các tổ chức quốc tế lại càng khó hơn vì họ sẽ đòi hỏi bảo lãnh của Chính phủ. Về mặt lợi ích kinh tế một sân bay tại Lai Châu có thể làm tăng hoạt động du lịch đến vùng này, nhưng chi phí bỏ ra rất lớn so với lợi ích đem lại trong ngắn hạn”, ông Hiếu nói.
Trên News Zing, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) – ông Trần Bắc Hà đưa ra ý kiến: “Về việc xây dựng sân bay, theo tôi chắc phải xem lại bởi Sapa – Lào Cai là sân bay cấp 4E, theo nguyên tắc là xã hội hóa và theo thông lệ điểm sân bay cự ly đường bộ khoảng dưới 300 km“.
Theo ông Hà, từ Lai Châu tới sân bay Điện Biên khoảng 4 tiếng đồng hồ còn về Lào Cai chỉ khoảng 2 tiếng. Có sân bay là có khách, nhưng với các điểm du lịch ở Lai Châu, đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng cho một sân bay về lâu dài thì cần, nhưng hiện tại chưa phải trọng điểm tập trung.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, dự án trên có khả năng đầu tư, nhưng cần sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải. Còn Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Quốc phòng sớm xem xét, kết luận về nội dung này.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Quốc phòng có báo cáo về sự cần thiết của việc xây dựng sân bay dành cho các loại máy bay nhỏ ở Lai Châu. “Trước sau gì cũng phải làm, nhưng lộ trình như thế nào Bộ Quốc phòng cân nhắc”, ông Phúc nói.
Được biết, hiện cả nước có 21 sân bay, gồm cả 9 sân bay quốc tế. Trừ sân bay Phú Quốc được quy hoạch mới, các sân bay chủ yếu được quy hoạch từ thời Pháp thuộc. Trung bình ở Việt Nam, cứ 16.000 km2 lại có 1 sân bay.
Theo Vnexpress tháng 11/2015, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết trong tổng số 22 cảng hàng không do ACV quản lý chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ, theo kết quả kiểm toán năm 2014.
Ví dụ, Sân bay Chu Lai (Quảng Nam) chỉ đạt trên 8% trong tổng công suất thiết kế 500.000 khách/năm; Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ đạt công suất trên 15% trên mức thiết kế 2 triệu khách/năm; các sân bay khác như Cà Mau, Rạch Giá, Tuy Hòa, Điện Biên, Đồng Hới, Liên Khương, Phú Quốc… chỉ đạt công suất hoạt động 11-37%.
Các sân bay như Cát Bi, Phú Bài… đã bắt đầu hết lỗ. Sân bay Đà Nẵng đã hòa vốn.
Dự kiến đến năm 2020, cả nước sẽ có thêm 6 sân bay nữa đi vào hoạt động.
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

17 comments :

  1. Hết tượng đài 7 nghìn tỷ này rồi thì sân bay 8 nghìn tỷ. Đất nước này chỉ biết xây cho to rồi nhân dân thì đói há mồm lên ai lo

    ReplyDelete
  2. Thực sự nghĩ dự án này không hợp lý lắm khi mà đất nước mình, nhân dân mình còn nghèo như thế

    ReplyDelete
  3. Bỏ, bỏ ngay, tiền đó đủ để làm an sinh xã hội trong suốt 3 năm cho người miền cao đấy

    ReplyDelete
  4. thực sự là ko thiết thực chút nào

    ReplyDelete
  5. tốt hơn hết là làm gì có ý nghĩa để người dân có cuộc sống tốt hơn

    ReplyDelete
  6. có làm tốt công tác dân thì mới có đc lòng dân

    ReplyDelete
  7. Cũng thấy lo lo thật, biết Nhà nước làm điều này cũng là vì ý tốt cho dân mình, muốn khu vực phát triển. Cơ mà có lẽ có nhiều cái nên đáng phải đầu tư trước hơn. Chứ cứ làm như này thì chụp giật quả, khả năng khả thi không biết đến đâu nữa

    ReplyDelete
  8. Cũng thấy lo lo thật, biết Nhà nước làm điều này cũng là vì ý tốt cho dân mình, muốn khu vực phát triển. Cơ mà có lẽ có nhiều cái nên đáng phải đầu tư trước hơn. Chứ cứ làm như này thì chụp giật quả, khả năng khả thi không biết đến đâu nữa

    ReplyDelete
  9. Lý do của bác thực sự thuyết phục chửa? Nếu tất cả các tỉnh còn lại có lý do như bác thì như thế nao? Bác đã đánh giá đúng nhu cầu hàng không khu vực đó chưa, 8000 tỷ có vẻ nhỏ nhỉ.

    ReplyDelete
  10. Dân khu đó còn nghèo, một năm đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, 8000 tỷ đồng đó đầu tư cho phát triển con người còn hiệu quả hơn nhiều.

    ReplyDelete
  11. Đừng coi thường miền núi nhé, trên này học tập những quyết sách của miền xuôi giỏi lắm, hơn thế nữa có những quyết sách còn đi trc miền xuôi và các tỉnh bạn đấy. Những thành tích đạt được không phải ít nhé, mỗi tội theo thống kê của TW thì số hộ nghèo và kinh tế đâu người thấp nhất cả nước thôi mà

    ReplyDelete
  12. Dự án nghe có vẻ xa xỉ quá. Với Lai Châu thuộc vùng núi nông nghiệp hay công nghiệp đều không thể phát triển, chưa nói đến thời tiết khi hậu khi mùa đông đến, Như HP HN mùa đông đến sương mù còn không bây được nữa là, không có gì để phát triển như thế xây sân bay có vẻ quá hoang phí.

    ReplyDelete
  13. Tự kiếm được nguồn vốn để xây thì nên ủng hộ, nhưng mình nghĩ cũng cần xem xét lại đầy đủ các vấn đề liên quan đến chính trị và xã hội nữa, có nhiều việc thoạt nghĩ có lợi đó, nhưng nghĩ thêm tí thì chưa biết chừng là cái hại sau này.

    ReplyDelete
  14. Một tỉnh miền núi cũng xây sân bay 8 nghìn tỷ chẳng hiểu chạy theo thời đại hay học đòi các TP lớn. Tôi nghĩ để 8 nghìn tỷ đó làm những việc thiết thực thì hay hơn!

    ReplyDelete
  15. Hết tượng đài 7 nghìn tỷ này rồi thì sân bay 8 nghìn tỷ. Đất nước này chỉ biết xây cho to rồi nhân dân thì đói há mồm lên ai lo

    ReplyDelete
  16. Dân khu đó còn nghèo, một năm đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước, 8000 tỷ đồng đó đầu tư cho phát triển con người còn hiệu quả hơn nhiều.

    ReplyDelete
  17. Hết tượng đài 7 nghìn tỷ này rồi thì sân bay 8 nghìn tỷ. Đất nước này chỉ biết xây cho to rồi nhân dân thì đói há mồm lên ai lo

    ReplyDelete