Cỏ Thơm
Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vốn có truyền thống hiếu học. Biểu hiện trước hết của truyền thống hiếu học là tinh thần ham học hỏi, ham hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững. Lịch sử dân tộc đã từng biết đến rất nhiều tấm gương hiếu học của các bậc hiền tài, đức cao đạo trọng như: Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Lương Thế Vinh, Lê Thánh Tông, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Hồ Chí Minh,… Cùng không ít dòng họ hiếu học trên khắp mọi miền đất nước…
Truyền thống hiếu học của người Việt Nam xưa (ảnh: nguồn Internet) |
Trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc Việt Nam, người Thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng, là người đảm đương trọng trách đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và giúp chúng ta trưởng thành cả trong suy nghĩ, lối sống và tri thức, xã hội đã đặt toàn bộ niềm tin lên vai người thầy trong vai trò “dạy chữ, dạy người” và niềm tin đó đã được khắc sâu trong suy nghĩ, hành động của mỗi một người dân Việt Nam. Và ý thức được rất rõ trách nhiệm cao cả đó của mình, các thế hệ Thầy cô đã cống hiến công sức, cuộc đời cho sự nghiệp giáo duc, đào tạo của nước nhà. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy - những người mở trí khai tâm cho con người. Bác nói: “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất dù là tên tuổi không được đăng trên báo, không được hưởng huân chương, những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh” .
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục (ảnh: nguồn Internet) |
Hình ảnh cao đẹp và công lao to lớn của người Thầy đã in sâu vào tâm trí của mỗi người dân Việt Nam. Cha ông ta từ xa xưa đã nhắc nhở con cháu : “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy), hay:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy”
Có lẽ vấn đề “tôn sư trọng đạo” không còn là vấn đề quan niệm sống và quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Tôn trọng Thầy chính là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí, khát vọng vươn lên của cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm Thầy mà còn là biểu hiện của tình yêu với tri thức, biểu hiện của văn minh và tiến bộ. “Đạo” ở đây là đạo làm Trò, là cách ứng xử, là thái độ trân trọng và biết ơn với người đã truyền thụ kiến thức, dạy ta nên người.
Xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, con người ngày càng quan tâm và hướng đến chuyện học hành và lĩnh hội tri thức. Vị thế, vai trò của người Thầy hiện nay cũng đã thay đổi ít nhiều nhưng vị trí của người Thầy không hề suy giảm. Trong xã hội có nhiều thay đổi, các mối quan hệ xã hội cũng thêm nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là vấn đề đạo đức đang có những biểu hiện suy giảm thì vấn đề “tôn sư trọng đạo” càng phải được tiếp tục kế thừa và phát huy hơn nữa!
Trong những ngày này, không khí chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang rộn ràng trên khắp mọi miền đất nước - là dịp để thế hệ học trò tri ân, bày tỏ lòng biết ơn đến các Thầy Cô của mình. Và hơn lúc nào hết, truyền thống “tôn sư trọng đạo” đáng quý của dân tộc cần được giữ gìn và phát huy!
0 comments :
Post a Comment