"Dân ta phải biết sử ta"

Bống@

Chiều 27/11, trong phiên cuối của kỳ họp thứ 10, Quốc hội thông qua quyết định "tiếp tục giữ môn học Lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới" đã một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử ở bậc học phổ thông.

Thời gian gần đây, bản "Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể" của Bộ GDĐT đã đưa ra chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc" đã tạo ra nhiều luồng dư luận trái chiều trong nước. Không chỉ các nhà sử học mà rất nhiều người đều lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu, hoặc hiểu méo mó, sai lệch về truyền thống lịch sử vẻ vang hàng ngàn năm của dân tộc. Thậm chí, có người còn cho rằng, quyết định trên sẽ "giết chết" môn Lịch sử và cả tương lai của đất nước.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và từ thực tiễn khoa học cũng như việc tìm hiểu việc giảng dạy bộ môn Lịch sử ở các nước trong khu vực và quốc tế, Quốc hội nước ta đã thống nhất đi đến quyết định giữ lại môn học quan trọng này. Sự việc trên đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình của dư luận cả nước.

Tại sao phải học môn Lịch sử? Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: "dân ta phải biết sử ta cho tường gốc tích nước nhà việt nam". Quả đúng như vậy, lịch sử chính là truyền thống, là điều quan trọng để giúp chúng ta nhận biết mình là ai? mình phải sống ra sao và phải làm thế nào để xứng đáng với tổ tiên. Những bài học lịch sử giúp chúng ta có cách nhìn nhận đánh giá một cách khách quan về cuộc sống để nhận biết đâu là chân giá trị. 

 Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là việc giảng dạy theo phương pháp truyền thống theo lối áp đặt đã lỗi thời và không thực sự hiệu quả? Và đã đến lúc chúng ta nên thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập để tạo ra điểm nhấn, tạo nên sự hứng thú trong học tập cho học sinh để việc học tập lịch sử không còn là sự nhàm chán. Đây thực sự là vấn đề bức thiết với những người quản lý giáo dục và giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử ở các nhà trường.

"Ở Mỹ, học sinh được tiếp cận môn Lịch sử bắt đầu từ lớp 4, lồng ghép trong môn tiếng Anh, nghĩa là trong các bài đọc, viết môn tiếng Anh sẽ kèm thêm các bài về lịch sử như lịch sử loài người, lịch sử nước Mỹ..., song tần suất không nhiều, với mục đích giúp các em bắt đầu làm quen với chủ đề Lịch sử. Tuy nhiên, lên lớp 5, phần Lịch sử được học nhiều hơn, sâu hơn. Nó được tích hợp trong môn học gọi là Nghiên cứu Xã hội.

Chưa có thống kê nào cho thấy học sinh ở Mỹ có nắm vững kiến thức lịch sử đất nước mình hay không nhưng ít nhất các em rất hào hứng với những kiến thức về sử học. Các em được hướng dẫn tìm hiểu, vận dụng các kĩ năng tra cứu thông tin, phân tích, tổng hợp, viết luận và diễn thuyết để học. Cách học đầy sáng tạo này giúp tạo cảm hứng cho các em học sinh thay vì bắt các em tiếp nhận kiến thức một cách đơn điệu.

Khảo sát chương trình dạy học Lịch sử của 32 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước có nền giáo dục hiện đại và hiệu quả nhất, cho thấy Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở tại đa số các quốc gia.

Ở bậc tiểu học, Lịch sử được tích hợp với các môn khác như Đời sống Xã hội (Nhật Bản), Đạo đức và Xã hội (Trung Quốc), Cuộc sống thông minh (Hàn Quốc), Tìm hiểu Xã hội (Singapore), Nghiên cứu xã hội và môi trường (Australia), Khám phá thế giới (Pháp)…

Đến bậc THPT, có 3 xu hướng chính: Lịch sử là môn bắt buộc (50%); Lịch sử là môn tự chọn (chiếm tỷ lệ nhỏ); Lịch sử vừa là môn bắt buộc với một số nhóm học sinh, vừa cho phép tự chọn theo định hướng nghề nghiệp hoặc theo khối xã hội (gần 50%).

Môn học này có thể là môn độc lập như ở Anh, Pháp, Đức, Phần Lan; cũng có thể được tích hợp như ở Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ. Đây là nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Sư phạm, thuộc Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

Như vậy, tích hợp Lịch sử với các môn khoa học xã hội là xu hướng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở bậc tiểu học và THCS. Tuy nhiên, đâu là những điều kiện cần và đủ để thực hiện việc tích hợp là vấn đề cũng rất cần phải bàn". (Nguồn: VTV)
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 comments :

  1. đây là một quyết định sáng suốt. Dân ta phải biết sử ta. Uống nước phải nhớ nguồn. Không có gốc rễ sẽ chẳng bao giờ thành công được

    ReplyDelete