TRỊNH XUÂN THANH - HỢP TÁC LÀ LỰA CHỌN DUY NHẤT
Đã 1 tháng kể từ ngày Trịnh Xuân Thanh đầu thú trước cơ quan an ninh nhưng dường như sức nóng của việc Thanh trở về vẫn rất được dư luận quan tâm. Có lẽ bởi Trịnh Xuân Thanh là trường hợp khởi đầu trong đợt kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ giữa năm 2016 và bởi những câu hỏi nghi vấn mà người ta đã đặt ra cho sự “mất tích” của Trịnh Xuân Thanh trong suốt thời gian qua.
Còn nhớ, khi các bài viết về chiếc xe Lexus mang biển xanh và yêu cầu chỉ đạo điều tra, làm rõ của Tổng Bí thư xuất hiện trên các tờ báo đã khiến dư luận cả nước chấn động. Xuyên suốt diễn biến vụ việc, tâm lý xã hội chuyển biến theo hướng tích cực với niềm mong mỏi vào quyết tâm chỉnh đốn làm trong sạch Đảng của Tổng Bí thư.
Ngược lại, với cánh truyền thông lề trái, vụ việc Trịnh Xuân Thanh là một dịp để tiếp tục khoét sâu, đả kích vấn đề tổ chức nhân sự, chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước. Đặc biệt khi có thông tin Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài, đám diều hâu càng được phen lấn tới khi cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tìm cách bao che cho nhau để thoát tội. Rồi sau đấy là khoảng thời gian mà trên mạng internet bắt đầu xuất hiện những tấm hình Trịnh Xuân Thanh ở Đức và chính lúc này, những “tờ báo nhân dân” kia lại bắt đầu chuyển hướng ca ngợi Trịnh Xuân Thanh như một nhà bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ; đến khi Trịnh Xuân Thanh “xuất đầu lộ diện” về nước đầu thú thì ngay lập tức lật giọng nói rằng “Thanh bị bắt cóc, bị bắt giữ trái phép ở Đức”, “Thanh bị ép buộc phải tự thú”. Những điều trên cho thấy sự biến thiên đến lố bịch trong luận điệu tuyên truyền của các lực lượng núp danh dân chủ.
Rốt cục, Thanh là gì trong mắt bọn ó diều? Là tên tội phạm cần phải bị bắt giữ để trừng trị hay là một nhà chính trị bất đồng chính kiến cần được tung hô? Xâu chuỗi toàn bộ vụ việc, người ta chỉ thấy mục đích chống phá đến điên cuồng, sự xoi mói, móc mỉa đến bất chấp của những con kền kền dân chủ. Đơn giản những thành phần ấy chưa bao giờ muốn chính Đảng này tốt hơn, không muốn đất nước này tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Quay trở lại vấn đề, việc Thanh chủ động trở về nước đầu thú, cá nhân tôi cho rằng đây là một hành động khôn ngoan và dũng cảm. Thanh đã dám nhìn thẳng vào vấn đề, vào quá khứ, vào hiện tại để đối mặt với tội lỗi của mình. Một cuộc sống trốn tránh nơi xứ người (Đức) không thể cho Thanh một tương lai tốt đẹp, thậm chí theo lời Thanh đó là khoảng thời gian bấp bênh và lo sợ. Trở về đầu thú chính là con thuyền để cứu vớt cho Thanh, là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất.
Trở về rồi thì thế nào? Hợp tác hay chống đối? Đương nhiên khi đã xác định trở về đầu thú, Thanh đã nghĩ đến việc hợp tác. Bởi nếu muốn chống đối, Thanh đã có thể tiếp tục trốn tránh. Vào tình thế của Thanh lúc này, chống đối cũng không để làm gì, không thể giúp Thanh gỡ gạc những lỗi lầm, thậm chí còn khiến tội trạng tăng thêm mấy phần. Sai phạm của Thanh đã rõ. Việc PVC thất thoát gần 3.300 tỷ giai đoạn 2011-2013, Thanh phải chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu. Dư luận chờ đợi thái độ thẳng thắn, dám thừa nhận của Thanh nhưng hơn nữa là sự trung thực, thành khẩn hợp tác với cơ quan an ninh để khai báo những kẻ đã đứng sau, nâng đỡ cho Thanh bất chấp mọi sai phạm, cùng Thanh “rút ruột” ngân sách, dung túng giúp Thanh tẩu thoát ra nước ngoài trót lọt. Tất cả đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hợp tác là “sợi dây” để Thanh tự kéo mình ra khỏi vũng bùn đen, để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Cuộc chiến với tham nhũng chính là cách để Đảng lấy lại niềm tin của quần chúng, để Đảng tự bảo vệ chính mình, bảo vệ chế độ này. Cảm ơn ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đang lèo lái con tàu đi đúng hướng. Cho dù phải đương đầu với gió to, sóng cả nhưng với quyết tâm sắt đá, chúng ta sẽ làm được.
ĐỨC MINH
0 comments :
Post a Comment