THÀNH PHỐ TAM SA LÀ CÁI GÌ?


Cách đây vài ngày (Ngày 26/7/ 2014) Trung Quốc đã tuyên bố thành lập bộ máy chính quyền cấp thị trấn trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền) với tên gọi thị trấn Vĩnh Hưng để thực hiện "quản lý nhà nước" đối với cái gọi là “Thành phố Tam Sa”. "Thành phố Tam Sa" là tên gọi để chỉ khu vực mà Trung Quốc ngang nhiên thành lập vào tháng 7/2012 bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Động thái trên của Trung Quốc tiếp tục minh chứng thói ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Qua bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin hệ thống về cái gọi là “Thành phố Tam Sa” để chúng ta cùng nhận diện và đấu tranh với một thủ đoạn xâm lược trắng trợn của Trung Quốc:




Vào lúc 10 giờ 40 phút ngày 24/7/2012, tại đảo Vĩnh Hưng (đảo Phú Lâm của Việt Nam), chính quyền Trung Quốc đã tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển hiệu cho các cơ quan trực thuộc cái gọi là "thành phố cấp địa khu Tam Sa," tỉnh Hải Nam. Trung Quốc coi thành phố Tam Sa này như một đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam nhằm phụ trách vùng lãnh hải rộng hơn 2 triệu km vuông trên Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền trong đó bao trọn cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong âm mưu này, Bắc Kinh quy hoạch đảo Phú Lâm thành trung tâm hành chính và hiện đang đặt trái phép trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo này. Đảo Phú Lâm là đảo rộng nhất trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép, hiện có khoảng 1.000 người dân Trung Quốc đang sinh sống. Kể từ khi thành lập đến nay, Trung Quốc đã xây dưng rất nhiều hạng mục công trình trên đảo này như mạng lưới đường sá dài khoảng 12 km, trại giam, khu mua sắm rồi trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân, Khu cảnh bị quân sự, ngân hàng, bệnh viện…trong đó đáng chú ý là kho lạnh đầu tiên xây dựng (trái phép) trên đảo Phú Lâm. Kho lạnh này có thể tích 375 mét khối, có thể dự trữ rau quả, đồ khô đảm bảo lương thực thực phẩm cho 800 người trên đảo ăn trong vòng 20 ngày… Cùng với đó Bắc Kinh còn liên tục có những động thái nhằm phục vụ âm mưu củng cố quyền kiểm soát đối với đảo Phú Lâm và xác lập phi pháp cái gọi là "thành phố Tam Sa":

+ Quốc Vụ Viện Trung Quốc ngày 21/6/2012 phê chuẩn quyết định thành lập "Tam Sa," Hội đồng Nhân dân Hải Nam; ngày 17/7 thông qua quyết định thành lập "Hội đồng Nhân dân Tam Sa," ; ngày 21/7 tiến hành bầu 45 đại biểu "Hội đồng Nhân dân Tam Sa" ; ngày 23/7 họp phiên đầu tiên "Hội đồng Nhân dân Tam Sa" và bầu Tiêu Kiệt làm "thị trưởng Tam Sa"; ngày 24/7 tổ chức nghi lễ thành lập và gắn biển "thành phố Tam Sa"
+ Sáng ngày 1/10/2012 quốc kỳ Trung Quốc lần đầu tiên đã được kéo lên theo tiếng quốc ca kỷ niệm lần thứ 63 năm Quốc khánh Trung Quốc tại đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam) thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa được thành lập trái phép hồi giữa năm nay.
+ Ngày 20/7/2012, giới chức quân sự Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú tại cái gọi là "thành phố Tam Sa" mới thành lập với phạm vi quản lý bao gồm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
+ "Hội đồng Nhân dân Khóa I" của cái gọi là "Thành phố Tam Sa" (Trung Quốc) sáng 23/7 đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một hành động mang tính chất leo thang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam để thông qua các chương trình công tác liên quan và bầu ban lãnh đạo chính thức của đơn vị hành chính này.
+ Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/11/ 2012 đánh dấu kỷ niệm 100 ngày kể từ khi Bắc Kinh cái gọi là thành lập thành phố Tam Sa, người phát ngôn chính quyền thành phố Tam Sa Trần Tế Dương đã công bố các kế hoạch biến đảo Phú Lâm (mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) thành một trung tâm ngư nghiệp, du lịch và hỗ trợ quân sự.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị từng khẳng định “Những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Những việc làm của phía Trung Quốc là hoàn toàn vô giá trị"
Biên tập viên Chu Phương của Tân Hoa xã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra “thành phố Tam Sa” là chường cho bàn dân thiên hạ thấy nỗi nhục của Trung Quốc; đồng thời cũng sẽ buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải giở bài ngửa với các quốc gia xung quanh và quốc tế. Thiết lập “thành phố Tam Sa” là hành động tự cô lập mình của Trung Quốc, là một sai lầm chiến lược to lớn cần phải nhanh chóng sửa chữa!”

Echo
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment