PHONG TRÀO DÂN CHỦ HAY PHẢN DÂN CHỦ?

Ðể đi tới một xã hội công bằng, tự do và dân chủ, nhân loại đã tiến hành nhiều cuộc cách mạng xã hội khác nhau nhằm chống lại các thế lực cản trở sự phát triển của xã hội, và gần đây từ một số biến động xã hội ở một số quốc gia, đã có xu hướng cho rằng loài người đang hướng tới cách mạng dân chủ. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa dân chủ đích thực với mạo danh dân chủ...
Hiểu một cách đơn giản, thì phong trào dân chủ là phong trào đấu tranh của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tức là phong trào ấy phải xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo quần chúng, nhằm đòi lại quyền lợi bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, phong trào dân chủ chỉ có ý nghĩa xã hội tích cực khi gắn với một tư tưởng cách mạng tiến bộ, phù hợp xu thế phát triển, đại diện cho lợi ích nhân dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Với các tiêu chí đó, nhân loại đã từng chứng kiến nhiều phong trào dân chủ đi cùng với một cuộc cách mạng như Công xã Pa-ri năm 1871, Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc năm 1911... Nhưng thực tế cho thấy, không phải phong trào dân chủ nào cũng đem lại các quyền lợi cơ bản cho nhân dân. Vì có khi phong trào dân chủ chỉ là hình thức mê hoặc để lợi dụng nhân dân, hoặc sau khi thành công, bộ phận lãnh đạo đã phản bội lại lý tưởng, mục đích ban đầu để xây dựng chế độ đối lập với lợi ích nhân dân. Gần đây, từ các cuộc "cách mạng màu" ở Ðông Âu, sau đó là các sự kiện diễn ra ở Bắc Phi, Trung Ðông, với đặc trưng chung là phe đối lập huy động, tổ chức quần chúng tiến hành các cuộc biểu tình lớn, dài ngày, có thể kèm bạo lực để lật đổ các chính quyền được cho là tham nhũng, độc tài,... một số người đã coi đó là các cuộc cách mạng dân chủ. Nhưng cùng với thời gian, hiện nay hầu hết giới nghiên cứu quốc tế đều cho rằng những giá trị dân chủ được cổ vũ từ các cuộc cách mạng kiểu đó cần phải được định tính lại. Bởi khi nhận ra phần lớn các cuộc cách mạng này đều được "đạo diễn" từ nước ngoài, họ phải đặt câu hỏi: Các cuộc "cách mạng" đó có thật sự chứa đựng giá trị, đặc điểm của phong trào dân chủ, có thật sự mang lại trái ngọt cho nhân dân, hay sau cách mạng, nhân dân lại tiếp tục phải đối mặt với đói nghèo, bạo lực và chết chóc?

(theo nhandan.com.vn)



Cần phải nhận thấy rằng, Sau khi chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch hí hửng cho rằng, cơ hội “ngàn vàng” đã đến để xóa bỏ các nước chủ nghĩa xã hội còn lại, sớm thực hiện giấc mộng “bá chủ thế giới”.

Do sự biến đổi mau lẹ của thời cuộc nên phương thức “kinh điển” là dùng vũ khí, bạo lực vũ trang, gây chiến tranh, đổ quân xâm lược nước khác đã trở nên lỗi thời. Vì vậy, “diễn biến hòa bình” với các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”… được phương Tây coi là những “ngón đòn độc chiêu”, được đưa vào các chương trình nghị sự, trở thành điểm “then chốt” của chiến lược đối ngoại thời hậu “Chiến tranh lạnh” và là phương thức hữu hiệu để họ áp đặt các giá trị dân chủ, nhân quyền tư sản “kiểu phương Tây” vào Việt Nam và một số nước trên thế giới, với toan tính chuyển hóa các nước từng là XHCN đi theo quỹ đạo của họ, tạo thuận lợi để họ xếp đặt lại trật tự thế giới sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ.

Cho nên, việc ở Việt Nam có người trong nhóm tự xưng là "nhà đấu tranh dân chủ" coi Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là hai cuộc cách mạng "có tính lừa mị" của cộng sản, thực chất là luận điệu xuyên tạc. Họ nhằm vào việc người cộng sản lãnh đạo cách mạng để phê phán và bác bỏ. Họ cố tình tảng lờ vấn đề quan trọng nhất của cả hai cuộc cách mạng đó là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, trả lại cho nhân dân vị trí làm chủ.
Hay gần đây khi chủ quyền đất nước bị xâm phạm, một số người tự coi mình là "nhà dân chủ" lại xem đây là cơ hội để vu cáo chính quyền, đưa ra các luận điệu vô trách nhiệm để mê hoặc bộ phận công chúng nhẹ dạ, cả tin hoặc chưa có điều kiện phân tích tình hình một cách sâu sắc. Ðây là thời điểm để chúng ta nhận diện, phân biệt đâu là người yêu nước chân chính, đâu là nhà hoạt động xã hội có ý thức trách nhiệm và đâu là người đang mượn danh nghĩa dân chủ để cản trở sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Và đối với chúng ta, một nền dân chủ thật sự chỉ đến từ các công dân có tinh thần tự chủ, yêu hòa bình, gắn bó với cộng đồng bằng tinh thần nhân văn, luôn biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích của chính mình với lợi ích mọi người.
Từ cách tiếp cận như trên, nhìn vào thực tế hoạt động của mấy người tự nhận hoặc phong tặng lẫn nhau là "nhà đấu tranh dân chủ" để tiến hành "phong trào dân chủ" ở Việt Nam, không khó để nhận ra những con người và cái gọi là "phong trào" đó không hề xác định hay hướng tới giá trị dân chủ đích thực. Chỉ cần viết một, hai đơn từ kiện cáo hoặc nói xấu cán bộ lãnh đạo hay một cơ quan Ðảng và Nhà nước là trở thành "nhà đấu tranh dân chủ". Họ lập ra hàng trăm "hội nhóm" nhưng không "hội nhóm" nào có cương lĩnh hành động mang chất trí tuệ, chủ yếu xào xáo, lặp lại của nhau. Thậm chí, "phong trào dân chủ" còn tạo cơ hội để vài ba kẻ dụ dỗ mấy cô bé ngây thơ ngưỡng mộ "người hùng" mà bản án của TAND quận Ðống Ða (Hà Nội), dành cho "nhà dân chủ" Dũng Akudu đầu năm 2014 là một thí dụ! Ðặc biệt, một số "nhà dân chủ" còn bị đồng bọn moi móc, bêu riếu nhập nhèm tiền bạc, đấu đá tranh vị trí "thủ lĩnh", biển lận từ in ấn băng-rôn, khẩu hiệu, in tờ rơi, may in đồng phục... Như mới đây, sau khi bị đồng bọn phát giác chỉ cấp cho "dân oan" mỗi người 200 nghìn đồng nhưng lại quyết toán thành hai triệu đồng, một "nhà dân chủ" đã phải lên Facebook hứa trả lại để "bổ sung vào số dư tháng 5"! Ðó là điều lý giải tại sao các "nhà dân chủ" chủ yếu vô công rỗi nghề, làm ăn thua lỗ, nhưng lại có tiền mua sắm đồ nghề hiện đại, hễ tụ tập là nhậu nhẹt,... Ðối với họ, "đấu tranh dân chủ" không phải là mục đích mà là chiêu bài, là nghề kiếm sống, là hưởng lợi từ tiền hỗ trợ của các hội đoàn chống cộng ở hải ngoại như tổ chức khủng bố "Việt tân",... Dựa vào một số thế lực, họ cố gây áp lực lên Nhà nước Việt Nam nhằm đạt tới một cuộc "tiếm quyền" dưới danh nghĩa của các giá trị dân chủ nước ngoài. Về bản chất, họ đang đi ngược lại quá trình dân chủ, vì dân chủ thật sự phải xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của mọi người dân, chứ không buộc người dân đi theo quan niệm mà "nhà dân chủ" giả hiệu cổ súy. Chỉ tiếp cận từ tiêu chí "của nhân dân, do nhân dân" đã thấy cái gọi là "phong trào dân chủ" được quảng bá trên internet lại được một số tổ chức ở nước ngoài cổ vũ hoàn toàn đi ngược với khát vọng và cũng là mục tiêu mà toàn dân tộc Việt Nam đang phấn đấu đạt tới là xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Không có ý nghĩa nào khác, một "phong trào dân chủ" lại từ chối mọi cơ hội để xây dựng đất nước, tảng lờ thành tựu của xã hội mà chính họ thụ hưởng, mượn danh nghĩa dân chủ để chống chính quyền, lấy tham vọng và lợi ích kỷ của cá nhân thay thế nguyện vọng dân tộc,... thực chất chỉ là một "phong trào phản dân chủ".
Xem xét tổng thể các vấn đề trên đây đã lý giải tại sao sau hàng chục năm cái gọi là "phong trào dân chủ" ở Việt Nam chỉ loay hoay và loanh quanh trong một nhóm người. Sự bất lực có thể đẩy con người tới hành vi thiếu sáng suốt, đó là nhân - quả của hoạt động và hệ lụy từ hoạt động của những người đang cố xây dựng một thứ "phong trào dân chủ" trái khoáy và phi lý. Phải chăng, vì không thể thực hiện tham vọng, vì bất lực, vì bị đe dọa "cắt nguồn tài trợ" từ bên ngoài,... mà gần đây họ có xu hướng cổ vũ cho mấy cuộc xuống đường tự phát, bột phát hành vi bạo lực? Hơn thế nữa, dường như họ còn có xu hướng muốn kết hợp cái gọi là "đấu tranh dân chủ" với chủ nghĩa dân tộc cực đoan qua hàng loạt các tuyên bố, thư ngỏ, bài viết, bình luận, tin tức trên internet nhằm kích động bạo lực.
Sự thật vẫn là sự thật và bản thân nó chứa đựng chân lý, không ai có thể dùng ý muốn chủ quan để áp đặt. Những điều giản dị ở Việt Nam là chăm lo cho "nước ta được độc lập, đồng bào ta được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành" như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang được khẳng định. Đó là đạo lý, là lẽ sống giản dị, chân tình của người dân Việt Nam. Xin ai tự thừa nhận là tốt bụng, có lương tâm, biết sống vì con người thì đừng làm những điều sai trái, phản dân, hại nước, cản trở sự tiến bộ của lịch sử. Ai đó vẫn “ngựa quen đường cũ”, vẫn lên lớp về “dân chủ, nhân quyền”, xin hãy nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử hàng nghìn năm đánh giặc để dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; hãy đến thăm và tận mắt chứng kiến đất nước Việt Nam đổi thay, phát triển, yêu chuộng hòa bình, là điểm đến thân thiện, an toàn, mà bạn bè năm châu, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ... đều ghi nhận, khâm phục, đánh giá cao.
LÊ MINH
Share on Google Plus
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments :

Post a Comment